Khung cảnh thật bình dị, nhưng ấm áp lạ thường, hơi thở của mùa Xuân đã thổi đến mái nhà của chúng ta

Vèo một cái mấy ngày Tết qua đi thật chóng vánh, mới hôm nào con xách va ly hối hả về nhà với mẹ. Vậy mà hôm nay con lại xách va ly trở lại căn nhà trọ và guồng quay quen thuộc của cuộc sống, lại bắt đầu sống chuỗi ngày xa mẹ.

Trước khi về con đã dặn lòng phải làm mẹ vui, thế mà lúc này đây, chất va ly lên xe, nước mắt con lại tuôn rơi xối xả, từng giọt từng giọt nhỏ tí tách như những hạt mưa. Xin lỗi mẹ, con đã làm mẹ buồn! Những ngày qua như một thước phim quay chậm, lần giở từ ngày 29 Tết tới giờ (mồng 4 Tết).

Sáng 29 Tết con mới về đến nhà, đỗ xe xuống trước sân gạch đỏ au bóng mẹ vẫn lầm lũi cọ cọ rửa rửa cái xoong to đùng bên cạnh vòi nước. Liếc mắt lên hè trước cửa nhà con nhìn thấy chồng bánh chưng còn thơm phức mùi lá nếp, chắc mẹ mới luộc từ hôm qua.

Nhưng lạ là mẹ không hồ hởi đón con về như những năm trước, vẻ mặt đăm chiêu và nghiêm nghị. Chắc mẹ đang có chuyện gì lo nghĩ phải không? Đến chiều khi con đưa cho mẹ sấp tiền biếu mẹ sắm Tết mới thấy nét cười hiện lên trên khuôn mặt mẹ. Lúc này mẹ mới tươi bưởi một chút: “Năm nay mẹ chẳng kiếm được mấy đồng sắm Tết cả. Tết nhất thứ gì cũng đắt đỏ!”.

Điều mẹ mong mỏi nhất là được cùng ăn tết với con. (Ảnh: Zing)

Mọi người mỗi người một tay một chân dọn dẹp mọi ngóc ngách trong nhà. Con mang lọ hoa phong lan nhựa tỉ mẩn cọ rửa từng bông. Chị dâu tất tả làm một nồi nhân nem to đùng. Bố vừa cõng cu Tý trên lưng đang nhún nhảy vừa ngắm nghía cành đào phai năm cánh mới nở vài bông e ấp và chậu đào thế vàng rực rỡ.

Anh trai cầm vòi nước phun phun, cọ cọ, rửa rửa cái sân gạch to đùng. Khung cảnh thật bình dị, nhưng ấm áp lạ thường, hơi thở của mùa Xuân đã thổi đến mái nhà của chúng ta. Con gái về đến nhà chuyện trong nhà chuyện ngoài ngõ mẹ đều kể tất tần tật, như lâu lắm mới tìm được chỗ trút bầu tâm sự. Con chỉ im lặng lắng nghe và thi thoảng cười cười.

Mồng 1 như bao năm khác cả nhà mình lại rồng rắn nhau đến từng nhà trong chi, trong họ để gửi lời chúc sức khỏe và may mắn đầu năm. Năm nay cu Tý mới lẫm chẫm biết đi, cả nhà lại được một ngày cười rộn rã. Cu Tý trong tà áo dài truyền thống lũn cũn như một cây nấm, mắt tròn xoe như hạt đỗ, cứ ngơ ngơ ngác ngác nhìn mọi thứ thật lạ lẫm.

Anh trai cho cu Tý dẫn đường, cu Tý cứ chạy theo một đường thẳng tắp. Khi thì cu cậu lao thẳng ra ngoài đường lớn, lúc lại đi thẳng vào nhà hàng xóm nơi có mấy con mèo. Anh trai và chị dâu được phen cười bò lăn bò toài khi cu Tý dậm chân quát chó Ky nhà người ta như chó Ky nhà mình.

Cu cậu nhất quyết không chịu vào nhà thờ họ chúc Tết. Mọi người đều phải phì cười vì sự hồn nhiên và không biết sợ thứ gì trên đời của cu Tý. Cứ ngỡ là mấy ngày Tết cứ bình yên trôi đi như thế. Nhưng chẳng ngờ sự nông nổi đã khiến con nói ra những lời khiến mẹ buồn lòng.

Không có niềm vui nào hơn sự sum vầy. (Ảnh: Youtube)

Bát nước mắm chấm nem và cái tôi của con quá lớn

Mồng 2 Tết anh chị bồng cu Tý về quê ngoại. Nhà chỉ còn 3 người. Hai mẹ con lại lúi húi làm mâm cơm cúng. Nem chị dâu làm ngon tuyệt. Con hý hoáy pha đường, đập tỏi, vắt 2 trái quất thơm và cắt mấy lát ớt đỏ au, rồi thêm vào chút nước và chút mắm, loáng một cái là được một bát nước chấm ngon lành. Lát chấm ngập cả cái nem, ăn kèm với mấy lá xà lách non mỡ thì ngon phải biết!

Mới nghĩ đến thôi mà con đã ứa nước miếng. Cả nhà quây quần bên mâm cơm và ăn uống ngon lành. Con chuẩn bị bê mâm xuống bếp dọn rửa thì mẹ mới đưa mắt và phát hiện trong mâm có tới 2 bát nước mắm. Mẹ cằn nhằn: “Ở đây đã có bát nước mắm rồi, sao còn lấy thêm bát nữa. Ăn dở còn lưng bát như vậy rồi lại đổ đi phải tội, phí của trời. Lúc ăn không hết lúc lần chẳng ra”.

Con thoáng phân bua: “Bát kia của mẹ xa quá con ngồi đầu bàn bên này không với tới được”. Mẹ vẫn không hài lòng nói: “Xa thì để lại cho gần. Anh chị kiếm được đồng tiền là hoang phí không biết tiếc của giời!”. “Thì con đã đổ đi đâu?”. “Bát nước mắm ăn dở thế kia không đổ đi thì làm gì?”.

Con bắt đầu thấy mặt đỏ bừng và không giữ được bình tĩnh: “Sao mẹ cứ phải cãi lý cho bằng được, mình đúng mới thôi nhỉ?”. Mẹ cũng không chịu thua: “Cái gì đúng thì ta mới nói”. Con ấm ức trong lòng nhưng chẳng nói thêm lời nào. Bởi lẽ con biết rằng dẫu nói thế nào thì vẫn là con sai.

Lẽ ra chuyện cũng chỉ dừng lại ở đây. Tối rảnh rỗi, hai mẹ con nằm dài tâm sự chuyện hàng xóm láng giềng, lại là chuyện mẹ chồng con dâu xích mích. Con cười cười bảo mẹ: “Thế bà mẹ chồng này thì thế nào ý nhỉ? Chắc chỉ được cái hay lam hay làm thôi!”. Mẹ tự hào bảo: “Ai mà có được mẹ chồng như ta thì có phúc lắm đấy”.

Sự vất vả của mẹ như được xua tan vì tiếng cười sum vầy. (Ảnh Zing)

Con phì cười bảo: “Ai mà ở được với mẹ là giỏi đấy. Sểnh ra là ca cho vài bài. Là con, con xin đứng nhìn từ xa. Con ở với mẹ bao nhiêu năm rồi sao con lại không biết tính mẹ”. Con vẫn luôn mong rằng mẹ có thể thay đổi tính nóng nảy và luôn lấy tiêu chuẩn của bản thân để xét nét đúng sai của người khác. Như vậy có lẽ gia đình mình sẽ hòa thuận và êm ấm hơn.

Con cao hứng: “Con mà có mẹ chồng như mẹ ý, là con xin ở riêng”. Nhưng con phải giật mình khi mẹ im lặng hồi lâu. Con cũng tự thấy ái ngại vì đã lỡ lời khiến mẹ phải nghĩ ngợi như vậy. Dòng đời mưu sinh xuôi ngược và những gánh nặng oằn xuống trên vai tự khi nào đã biến một thiếu nữ trẻ trung, yêu đời thành một người phụ nữ hay cáu bẳn và dễ nổi giận

Có lẽ mẹ sẽ thấy tủi thân lắm. Cả đời lăn lộn vất vả vì chồng vì con mà lại nghe thấy câu này từ chính con gái mình. Thời con gái khi còn chưa phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nhìn nụ cười tươi rói của mẹ khi còn là nàng thiếu nữ dịu dàng trong vành nón trắng, chắc hẳn mẹ cũng đã từng vô tư và hay cười lắm.

Nhưng từ ngày bước chân đi lấy chồng, đôi vai gầy của mẹ phải gánh vác cả trọng trách gia đình khi cha con mất sức. Con vẫn nhớ những sáng mùa đông rét buốt, khi trời còn tờ mờ sáng, sương mù vẫn bay bay giăng đầy trên mặt đất, khi gà cất tiếng gáy lúc canh thâu, mẹ đã thức giấc.

Một mình mẹ lặn lội nơi đồng không mông quạnh âm u, cắt rau, nhổ củ cải. Tờ mờ sáng mẹ mới gọi hai anh em ra bờ ao đầu làng lau rửa, chất vào cáng và chằng lên chiếc xe đạp cọc cạch để mẹ chở ra Hà Nội bán kiếm tiền nuôi 2 anh em ăn học.

Mẹ vốn rất nhút nhát và hay xấu hổ nhưng đến khi rau màu chẳng thể nuôi nổi cái gia đình bé nhỏ này, mẹ cũng đã phải bày một sạp hàng nhỏ. Ngày đầu tiên mẹ còn che mặt khi bán hàng cho người trong làng vì xấu hổ. Suốt chục năm qua với sạp hàng neo đơn mẹ vẫn thức giấc lúc nửa đêm, tần tảo sớm hôm, chắt chiu từng đồng tiền nuôi chúng con trưởng thành.

Cha con bất lực trước cảnh vô dụng của mình nên muốn tìm quên trong men rượu. Nhưng rượu càng uống lại càng say, càng tụt dốc sâu hơn. Nhiều đêm cha trở về trong mùi rượu nồng nặc, và bao nhiêu uất ức vì thua bạn kém bè của cha lại trút hết lên đầu mẹ.

Nhưng vì muốn hai anh em con có được một mái nhà trọn vẹn có cả mẹ lẫn cha nên mẹ vẫn gắng gượng. Người ta chẳng phải vẫn có câu “Còn cha gót đỏ như son, mất cha gót con lại đen xì xì”.

Dòng đời mưu sinh xuôi ngược và những gánh nặng oằn xuống trên vai tự khi nào đã biến một thiếu nữ trẻ trung, yêu đời thành một người phụ nữ hay cáu bẳn và dễ nổi giận. Con cũng hiểu điều đó nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi nghe những lời mẹ trách mắng con vẫn chẳng thể kiềm lòng. Có lẽ lúc đó cái tôi của con lớn hơn cả lòng biết ơn mà con nên dành cho mẹ.

Con tự nhủ lòng đừng làm mẹ buồn thêm nữa. Nếu không vì hai anh em con chắc mẹ cũng chẳng phải vất vả và trở thành một bà mẹ “khó tính” như hôm nay. Vậy mà con chỉ biết yêu cầu mẹ thay đổi mà quên mất rằng “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Kỳ thực người cần thay đổi là con mới đúng. Có câu rằng: “Sự tu dưỡng tốt nhất của con cái chính là bao dung cho thiếu sót của cha mẹ mình”.

Mẹ, một đời lam lũ vì con. (Ảnh Soha)

Bữa cơm hóa vàng ngày mồng 4 Tết và những lời giận dỗi của con

Anh chị về quê ngoại đến mồng 4 Tết mới lên nên mẹ hoãn lại làm cơm hóa vàng vào ngày mồng 4 Tết. Mẹ bảo: “Mồng 4 làm cơm hóa vàng cho vợ chồng nó về ăn”. Nhưng khi nghe thấy những lời này con lại vùng vằng với mẹ và buông lời trách móc: “Con đi làm, đi học cả năm chẳng được lấy một ngày nghỉ. Tết về thì dọn dẹp nhà cửa, suốt ngày úp mặt vào bếp, chẳng được nghỉ ngày nào!”.

Mẹ bảo: “Thì làm cơm cúng xong con đi đâu thì đi”. Con vẫn giận dỗi: “Làm cơm cúng xong thì muộn rồi còn đi đâu được nữa ạ”. Mẹ lại chống chế: “Mà có làm cơm mấy đâu”.

Con như được cơn tức nước vỡ bờ: “Từ ngày con về suốt ngày dọn nhà dọn cửa. Từ sáng 30 tới tận hôm nay (mồng 4), hôm nào cũng mất nửa ngày làm cơm cúng, chờ đợi với dọn rửa. 3 ngày Tết không đừng được phải làm thì làm thôi, mẹ lại còn làm thêm cả ngày mồng 4 nữa. Mồng 6 con đã phải đi làm lại rồi”. Hai mẹ con im lặng không nói gì và lặng lẽ làm nốt mâm cơm cúng.

Khi nén hương còn chưa cháy hết, anh chị và cu Tý chưa về đến cổng ngõ con đã xách va ly trở lại nhà trọ. Mẹ chỉ đăm đăm nhìn con và bảo: “Đợi anh chị về ăn cơm rồi hãng đi, không lại đói. Đằng nào chả phải ăn”.

“Con còn nhiều việc lắm!”. Nhưng con vẫn xách va ly lên xe và đeo ba lô lên vai, chuẩn bị nổ máy. Biết chẳng thể giữ con ở nhà thêm phút nào nữa, mẹ tất tả mang hộp mứt, gói bánh, gói kẹo một chiếc bánh chưng và khoanh giò gói lại cho con mang đi.

Giây phút ấy sống mũi con cay cay, khóe mắt đã đỏ hoe nhưng chỉ dám cúi đầu, chẳng dám nhìn vào mắt mẹ. Con biết con sai rồi nhưng lòng tự ái của một cô gái mới lớn không cho con dừng lại và hưởng những giây phút bình yên, ấm áp bên những người mình yêu thương.

Nhớ tới bóng dáng mẹ hao gầy lặng lẽ đứng trước hiên nhà nhìn con đi xa mà nước mắt con cứ rơi xối xả. Con tự hỏi lòng mình điều gì quan trọng hơn: Lòng tự ái hay tình yêu thương. Con biết câu trả lời là tình yêu thương nhưng đôi chân bướng bỉnh vẫn cứ bước đi.

Con thực sự muốn nói với mẹ ngàn lời xin lỗi, nhưng lòng kiêu hãnh vẫn ngăn con lại khiến con chẳng thể thốt nên lời. Ôi giá như con cứ bé mãi, cứ ngây thơ nhỉ. Sao khi lớn lên con lại không thể bày tỏ lòng mình như khi còn nhỏ, cũng chẳng biết làm mẹ vui. Làm người lớn sao khổ vậy nhỉ? Vì sĩ diện mà chẳng dám thể hiện tình yêu và lòng biết ơn với mẹ.

Lúc bé thơ đối với con, mẹ là tất cả, những gì mẹ nói luôn luôn đúng. Con thường làm mẹ cười, dẫu có nghe những lời mẹ trách móc con vẫn chẳng để tâm. Vậy mà khi lớn lên con lại quên mất điều đó. Đúng hay sai có nghĩa lý gì khi mẹ của con không cảm thấy hạnh phúc? Đó cũng là điều con mong mỏi nhưng sao con lại chẳng thể kiềm chế sự nóng giận và ích kỷ của bản thân mình?

Tết là ngày sum họp, nhưng một khi không có bóng dáng con mọi thứ trở nên cô quạnh. (Ảnh: Youtube)

Nhưng trong tâm con lại thấy bứt rứt chẳng yên. Ngày hôm sau nằm dài trong căn phòng trọ, con cầm chiếc điện thoại trên tay, lần tìm tên “Mẹ” trong danh bạ. Con lặng nhìn vào số điện thoại của mẹ hồi lâu mới dám ấn vào chiếc nút điện thoại màu xanh.

Tiếng mẹ vang lên từ đầu dây bên kia: “Con à, gọi cho mẹ có việc gì không?”. Hình như những lời con làm tổn thương tới mẹ suốt mấy ngày Tết mẹ đã quên, chỉ còn lại niềm hạnh phúc trong giọng nói hân hoan của mẹ.

Con bâng quơ hỏi: “Mẹ đã ăn cơm chưa? Mẹ đang làm gì đấy?”. “Mẹ đang ở sân chùa”. Lòng con chợt dậy nên niềm xúc động, con biết mẹ đang cầu mong cho con một năm mới bình yên và hạnh phúc.

Tình mẹ vẫn luôn như vậy: Dẫu con đối với mẹ thế nào, dẫu mẹ chẳng biết cách bày tỏ tình yêu với con bằng những lời nhẹ nhàng, có cánh nhưng lòng mẹ vẫn luôn bao dung và hướng về con vô điều kiện.

Tình yêu mẹ dành cho con luôn mộc mạc và chan chứa trong từng hành động và sự phó xuất âm thầm của mình. Còn con lại chỉ biết đòi hỏi mẹ phải yêu thương theo cách con muốn. Xin lỗi mẹ, Tết này con đã làm mẹ buồn!

Minh Nguyệt