Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta, dù là người ở giai tầng thấp nhất của xã hội, đều mong có được sự tôn trọng của người khác.

Nhiều năm trước, trên đường đi mua đồ, khi tôi đi ngang qua một con đường cái thì có một chiếc mũ văng đến trước mặt, rồi rơi xuống dưới chân tôi. Chiếc mũ trông vừa cũ vừa bẩn. Tôi ngẩng đầu đưa mắt nhìn quanh thì thấy một ông lão nhặt ve chai ở bên kia đường đang run rẩy muốn băng qua đường để nhặt chiếc mũ. Tôi do dự một chút, rồi quyết định nhặt chiếc mũ đó lên hướng về phía ông lão vẫy vẫy, tỏ ý là tôi sẽ mang chiếc mũ đó sang trả cho ông. Sau khi tận tay trao chiếc mũ cho ông lão, tôi nhìn thấy sự xúc động trên gương mặt cùng vẻ cảm kích trong đôi mắt ông, ông không ngớt lời cảm ơn tôi: “Thật sự rất cảm ơn cô, chúc cô sống lâu trăm tuổi!”. Lời cảm ơn mộc mạc đơn sơ từ miệng của ông lão nhặt ve chai thiếu vốn từ này hẳn là lời cảm kích và tôn trọng chân thành nhất xuất phát tự đáy lòng mình.

Thật sự tôi cũng không biết một từ “tôn trọng” rốt cuộc chứa đựng bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng trong nó. Nhưng, từ sau sự việc này tôi có thể biết được rằng, người sống ở thế gian này, dù địa vị bạn cao quý đến đâu hoặc hèn mọn thế nào, chỉ cần bạn tôn trọng người khác, họ cũng nhất định sẽ đáp lại bạn bằng sự tôn trọng gấp bội.

Đây chính là lấy lòng đo lòng, đây cũng chính là phẩm đức tối thiểu nhất mà một người nên phải có.

Thế giới này rộng lớn đến vậy, người giông giống nhau thì rất nhiều, nhưng lại không có người giống nhau hoàn toàn. Mỗi người bởi có sự khác nhau về gia đình, giai tầng, tính cách, hoàn cảnh sống cũng như những trải nghiệm, mục tiêu theo đuổi của cuộc đời, nên lý giải với hai từ “tôn trọng” cũng khác nhau.

Rất nhiều lúc, trong cuộc sống, ở trong môi trường học tập hay công tác, chúng ta có xu hướng tôn trọng những người có thân phận địa vị cao hơn mình, trong khi hờ hững xem nhẹ những người kém cỏi hơn mình. Nhiều khi chúng ta đã quên mất rằng, vạn vật nơi thế gian đều chuyển động luân phiên, đều sẽ không cố định bất biến. Không chừng một ngày nào đó, ông lão nhặt rác kia biết đâu sẽ trở thành triệu phú, còn cấp trên của bạn lại trở thành một công nhân phổ thông…

Khổng Tử từng nói: “Trong ba người đồng hành, ắt có một người đáng làm thầy của ta”. Người mà thật sự biết tôn trọng người khác trong tâm sẽ không chỉ biết tôn trọng những người có thân phận địa vị cao hơn mình, mà cũng sẽ biết tôn trọng người có địa vị thấp hơn mình. Bởi mỗi người đều có ưu điểm của riêng mình, biết tiếp thu tinh hoa từ trong những ưu điểm của người khác, từ trong khuyết điểm của người khác mà tìm ra chỗ thiếu sót của bản thân, đó không phải là một quá trình lĩnh ngộ và đề cao hay sao?

Tôn trọng người khác không chỉ thể hiện ở lời nói, mà nó càng được thể hiện ra ở hành động thực tế. Tôn trọng người khác cần phải chân tâm thật ý, tuyệt không thể có chút hư tình giả ý được. Tôn trọng người khác cần dùng một trái tim chân thành để cảm động và mang lại niềm vui cho đối phương. Như vậy người có được niềm vui từ trong đó lại không phải chính bản thân mình sao?

Mong bạn hãy đối đãi với mỗi một người bên cạnh bằng chính chân ngã thiện lương của mình, có vậy người khác cũng sẽ tôn trọng bạn hơn. Bởi tôn trọng người khác, kỳ thực đó cũng là tôn trọng bản thân mình!

Theo Đàm Đạo Hùng, Duwenzhang
Vũ Dương biên dịch

Video: Thông minh là thiên phú nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn

videoinfo__video3.dkn.tv||7b2df60bc__