Xưa nay cổ nhân rất coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình, có câu nói như: “Trong nhà có người vợ hiền, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”. 

Cổ ngữ có câu: “Lấy vợ coi trọng hiền đức”. Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều coi trọng người vợ có đạo đức, biết hành thiện, kính trời, hiểu mệnh, không chấp trước vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp kết hôn, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt. 

Thời xưa, các bậc quân vương, hiền thần khi lựa chọn vợ đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ hơn là nhan sắc bề ngoài rất nhiều. Có một câu chuyện về một vị quốc vương trẻ tuổi vì để có thể tìm được một người vợ hiền nên đã tổ chức một cuộc thi tuyển. Đến ngày thi, có rất nhiều các thiên kim tiểu thư vô cùng xinh đẹp là con của bậc đại thần, và người giàu có đến tham dự. Ngoài ra còn có một cô gái, là con một gia đình nông dân cũng đến dự thi. 

Vị quốc vương đưa ra câu hỏi đầu tiên là: “Khoảng cách giữa nơi mà mặt trời mọc và nơi mà mặt trời lặn là bao xa?”. 

Với câu hỏi khó này đã khiến các thiên kim tiểu thư bối rối vô cùng. Và không ai trong số họ tìm ra được khoảng cách ấy.

Khi mọi người còn ngơ ngác thắc mắc về câu trả lời thì cô gái nông thôn trả lời rằng: “Thưa quốc vương! Khoảng cách ấy đúng bằng một ngày!”.

Quốc vương nghe xong vui mừng nói: “Trả lời thật hay! Trả lời hay lắm!”.

Tiếp đó quốc vương ra câu hỏi thứ hai: “Khoảng cách giữa trời và đất là bao xa?”.

Tiểu thư của một vị đại thần liền trả lời ngay rằng: “Thưa quốc vương! Thần thiếp nghe nói có câu rằng: “Cửu vạn lý trường thiên”. Nên thần thiếp nghĩ, khoảng cách giữa trời và đất là 9 vạn dặm!”.

Tiểu thư một gia đình giàu có cũng trả lời: “Thưa quốc vương! Đường tăng từng đi qua mười vạn tám ngàn dặm để lấy kinh, nên thần thiếp nghĩ đây chính là khoảng cách giữa trời và đất!”.

Cô gái nông thôn lại bình tĩnh trả lời: “Thưa quốc vương! Dân nữ nghĩ rằng khoảng cách giữa trời và đất đúng bằng khoảng cách giữa mở mắt và nhắm mắt!”.

Những thiên kim tiểu thư kia nghe thấy câu trả lời thì trong lòng cảm thấy vô cùng lo lắng và hồi hộp chờ đáp án từ quốc vương.

Nhưng lại một lần nữa quốc vương ghi nhận đáp án của cô gái nông thôn, lúc này cơ hội với các thiên kim tiểu thư ngày càng ít dần.

Sau đó quốc vương đưa ra câu hỏi cuối cùng : “Khoảng cách giữa lời nói thật và lời nói dối là bao xa?”.

Nghe xong câu hỏi này thì các tiểu thư kia ai nấy đều thất thần, hỏi lại nhau rằng: “Giữa nói thật và nói dối còn có đơn vị khoảng cách sao?”.

Trong lúc các cô nương còn bối rối thì cô gái nông thôn kia lại không một chút do dự mà nói rằng: “Thưa quốc vương! Khoảng cách ấy đúng bằng khoảng cách giữa hai lỗ tai! Khi dùng một tai nghe lời nói từ một bên thì thường thường sẽ nghe được lời nói không thật. Dùng hai tai lắng nghe ý kiến bất đồng mới có thể nghe được lời nói thật!”.

Vị quốc vương nghe xong thì vô cùng mừng rỡ, liên tục khen ngợi, định tuyên bố chọn cô gái nông thôn làm Hoàng hậu. Nhưng Thái hậu lại khinh thường thân phận cô gái nông thôn ấy và làm khó cô bằng ba việc. Bà yêu cầu cô gái tìm một đóa hoa đẹp nhất trong thiên hạ, một con chim quý nhất trong thiên hạ và một quả trứng gà có xương đến cho bà. Nếu không thì hôn ước sẽ bị hủy bỏ. Không ngờ, cô gái nông thôn không hề lo lắng mà lập tức đồng ý.

Ba ngày sau, cô gái mang theo một đóa bông, một con chim én và một quả trứng gà đang ấp dở đến cung điện. Quốc vương, Thái hậu, các đại thần trong triều đình và các tiểu thư dự thi đều đến xem kết quả.

Cô gái nông thôn lễ phép thưa: “Thưa Thái hậu! Người ta nói rằng, hoa mẫu đơn là vua của các loài hoa. Hoa mẫu đơn tuy đẹp nhưng lại không bằng đóa bông. Bông có thể dệt thành vải, nhuộm thành muôn màu muôn sắc và hình dạng khác nhau, cho nên đóa bông là đẹp nhất. Người ta nói, phượng hoàng là vua của các loài chim, mặc dù phượng hoàng quý nhưng lại không bằng chim én. Chim én có thể bắt sâu gây hại cây, bảo vệ cây trồng để cung cấp lương thực cho muôn dân, cho nên, chim én là quý nhất. Gà con trong trứng đã có xương, cho nên khi nó còn ở trong quả trứng mà chưa nở ra thì đó chính là quả trứng có xương”.

Sau khi cô gái giải thích quốc vương liền tuyên bố: “Vị cô nương này chính là hoàng hậu mà ta mong ước nhất!”.

Ngay sau đó cô gái thông minh, trí tuệ ấy đã trở vượt qua rất nhiều thiên kim tiểu thư xinh đẹp trở thành Hoàng hậu của quốc vương.

Đôi lời cùng bạn quý:

Trong Đạo gia từng có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Có ý là đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài. Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người phụ nữ thực sự hiền đức.

Từ thời xa xưa đến nay có câu nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Quả thực, có rất nhiều người chồng đạt được những thành công nhất định trong cuộc đời đều là có sự trợ giúp của người vợ hiền. Cổ nhân cũng cho rằng, chỉ có người phụ nữ thực sự có giáo dưỡng, có trí tuệ mới có thể phụ giúp chồng làm thành việc lớn và dạy dỗ con cái thành người hiền tài. 

Người xưa cũng nhìn nhận một người phụ nữ có phải là “hiền thê, lương mẫu” hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn trọng yếu đó là “Tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”. Vậy nên cổ nhân khẳng định tầm quan trọng đức hạnh của phụ nữ thời xưa trong mỗi gia đình: “Trong nhà có người vợ hiền, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”, hay cũng nói: “Trong nhà có vợ hiền thì người chồng không gặp họa”.

Thời đại ngày nay đã khác xưa, quan niệm, nhận thức cũng có chỗ khác biệt. Nhưng những câu chuyện cổ xưa về đức hạnh, trách nhiệm của người phụ nữ vẫn khiến người hiện đại chúng ta phải suy ngẫm sâu xa.